Tại Rặng Núi Cuồng Điên - H. P. Lovecraft (Chương I)
Preview bản dịch tiếng Việt của At the Mountains of Madness, một cuốn tiểu thuyết sắp được Bookism xuất bản. Xin lưu ý: đây là bản dịch thô chưa qua biên tập, và có thể sẽ khác với bản chính thức.
Giới thiệu chung:
Tiêu đề truyện gốc: At the Mountains of Madness
Năm xuất bản lần đầu: 1931
Chuyển ngữ bởi: Nguyễn Thành Long
Bản quyền bản dịch: Sách Bookism
Đọc truyện:
Chương I
Tôi nay buộc phải đăng đàn lên tiếng, bởi lẽ cộng đồng khoa học đã quyết rằng trừ phi được biết tỏ tường nguyên cớ, họ sẽ bỏ ngoài tai khuyến cáo của tôi. Vạn bất đắc dĩ, tôi mới đành tiết lộ lý do mình phản đối chuyến thám hiểm Nam Cực đang được người ta suy tính tổ chức cũng như các hoạt động sẽ diễn ra trong chuyến đi ấy - bao gồm săn tìm hóa thạch trên diện rộng, khoan đục và nung tan lớp băng cổ trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, vì biết lời cảnh báo của mình chưa chắc đã ăn thua, tôi lại càng chẳng muốn hoài công chia sẻ.
Những sự thật tôi công bố chắc chắn sẽ bị nghi ngờ; khốn thay, nếu lược bớt những tình tiết nghe quá đỗi hoang đường và khó tin, tôi sẽ chẳng còn gì để kể nữa. Các bức ảnh bấy nay giấu kín, gồm cả ảnh chụp thường lẫn ảnh chụp từ trên không, sẽ giúp minh chứng cho lời tôi, bởi lẽ chúng rõ nét và sinh động đến giật mình. Hiềm nỗi, vì trần đời không thiếu những trò lừa tài tình được thực hiện rất đỗi công phu, chúng sẽ vẫn bị ngờ vực bủa vây. Những tấm hình vẽ tay thì tất nhiên sẽ bị nhạo báng là ngụy tạo rành rành, dẫu rằng lối vẽ dị biệt của chúng ắt sẽ thu hút sự chú ý của các chuyên gia nghệ thuật và khiến họ không khỏi bối rối.
Rốt cuộc, tôi chỉ còn biết trông cậy vào óc suy xét cũng như địa vị của những nhà khoa học cốt cán. Bọn họ sở hữu một sự độc lập trong tư duy, cho phép họ thuần túy đánh giá các dữ liệu tôi cung cấp dựa trên sức thuyết phục khủng khiếp của chúng; hoặc không, họ cũng sẽ biết đường đối chiếu chúng với những bộ thần thoại khôn cùng khó hiểu, ra đời từ thuở ban sơ. Ngoài ra, vì thuộc diện có tầm ảnh hưởng, bọn họ sẽ tác động được đến giới thám hiểm, can ngăn họ khỏi mò đến chỗ rặng núi rồ điên kia và khinh suất bày ra những chương trình quá tham vọng. Thật tiếc thay, riêng với những vấn đề kỳ quái tột bậc hoặc gây nhiều tranh cãi, tiếng nói của hạng người tương đối vô danh tiểu tốt như tôi và các đồng nghiệp của tôi, vốn chỉ là thành viên một trường đại học xoàng xĩnh, gần như không có trọng lượng.
Còn một cái khó nữa là xét chuẩn ra, chúng tôi không phải chuyên gia trong các lĩnh vực chính yếu của vụ việc đang được đề cập. Vì bản thân là một nhà địa chất học, thế nên khi lãnh đạo Chuyến thám hiểm Đại học Miskatonic, tôi chỉ đơn thuần muốn thu thập các mẫu đất đá tầng sâu từ nhiều khu vực khác nhau trên lục địa Nam Cực với sự hỗ trợ của một bộ khoan xuất sắc, chế tạo bởi Giáo sư Frank H. Pabodie, giảng viên khoa kỹ thuật của chúng tôi. Ngoài mảng đã kể, tôi chẳng định bụng trở thành người tiên phong trong bất kỳ mảng nào nữa cả; dù vậy, tôi vẫn hy vọng khi triển khai thiết bị mới này dọc trên những nẻo đường đã không còn lạ lẫm dấu chân người, mình sẽ phát hiện ra những mẫu vật trước nay chưa ai từng kiếm được thông qua các phương pháp thông thường.
Như các báo cáo của chúng tôi đã cho công chúng biết, bộ khoan của Pabodie là một hệ thống máy độc đáo và đầy đột phá: nó rất nhẹ, mang tính di động cao, và hoạt động được cả như một mũi khoan giếng bình thường lẫn một mũi khoan xoay nhỏ chuyên đục đá, cho phép nó mau chóng thích ứng với các địa tầng đa độ cứng. Thiết bị này có thể khoan được những lỗ rộng mười hai phân và sâu tới hơn ba trăm mét, và tổng trọng lượng tất cả các bộ phận của nó, bao gồm mũi khoan thép, cần gắn khớp nối, động cơ xăng, giàn gỗ xếp gấp, dụng cụ kích nổ, dây nhợ, vít xoắn để loại bỏ phế thải, các đoạn đường ống, kèm thêm mọi phụ kiện cần thiết, sẽ không vượt quá tải trọng của ba xe trượt, mỗi xe do bảy chó kéo. Sở dĩ điều ấy lại khả thi bởi hầu hết các linh kiện kim loại đều được làm từ một dạng hợp kim nhôm tài tình. Chúng tôi còn sở hữu bốn phi cơ Dornier cỡ lớn với thiết kế chuyên biệt, giúp chúng vận hành tốt trên những độ cao vời vợi - điều kiện tiên quyết khi di chuyển bằng đường không tại cao nguyên Nam Cực. Đồng thời, chúng cũng được lắp thêm các thiết bị giữ ấm nhiên liệu và khởi động máy cấp tốc, tất thảy đều do Pabodie một tay chế tạo. Với chỗ phi cơ này, cả đoàn chúng tôi có thể bay từ khu căn cứ sát mép Đại Băng Lũy1 tới những địa điểm phù hợp khác, nằm sâu trong đất liền; một khi đã ra đến những nơi ấy, chúng tôi chỉ cần có đủ chó thôi là được rồi.
Chúng tôi dự kiến sẽ lưu lại trọn một mùa Nam Cực - hoặc lâu hơn, nếu thực sự cần thiết - và hoạt động trên một địa bàn rộng hết mức có thể, chủ yếu tập trung vào các rặng núi và vùng cao nguyên mạn Nam biển Ross2. Đấy đều là những chốn từng được Shackleton3, Amundsen4, Scott5, và Byrd6 khám phá, không ít thì nhiều. Chúng tôi sẽ thường xuyên đổi trại, lấy phi cơ bay đi thật xa, ngõ hầu tạo được một chênh lệch khoảng cách có ý nghĩa về mặt địa chất. Với chiến lược ấy, chúng tôi trông đợi sẽ khai quật được một lượng mẫu vật vô tiền khoáng hậu - đặc biệt là các mẫu từ tầng Tiền Cambri7, bởi vì tính đến nay, ta chưa thu được nhiều mẫu vật dạng này ở Nam Cực. Chúng tôi cũng mong sẽ tìm thấy thật nhiều mẫu đá chứa hóa thạch đa dạng từ cả các địa tầng trên nó nữa, bởi vì lịch sử sự sống nguyên thủy của vương quốc giá băng và chết chóc đầy ảm đạm này đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với hiểu biết của ta về quá khứ Trái Đất. Ai cũng biết lục địa Nam Cực từng có khí hậu ôn hòa, thậm chí còn là khí hậu nhiệt đới, sôi động cỏ cây muông thú, nhưng nay chỉ duy địa y, động vật thủy sinh, động vật hình nhện, cùng với chim cánh cụt ở vùng rìa phía Bắc là còn tồn tại; chúng tôi hy vọng sẽ giúp mở mang kiến thức ấy, làm nó trở nên phong phú, chính xác, và chi tiết hơn. Trong bước khoan đơn giản, nếu phát hiện vết tích hóa thạch, chúng tôi sẽ dùng mìn nới rộng lỗ khoan để có thể thu về các mẫu vật với kích thước và tình trạng thích hợp.
Tùy vào triển vọng hứa hẹn bởi lớp đất đá bề mặt, chúng tôi sẽ tiến hành khoan theo những mức nông sâu khác nhau. Về địa điểm khoan, chúng tôi chỉ giới hạn trong những phần đất lộ thiên hoặc bán lộ thiên. Rốt cuộc, các vị trí hạ khoan không nằm tại sườn dốc thì cũng ở trên mấy rặng núi, bởi vì mọi vùng dưới thấp đều bị băng dày tận hai, ba cây số bao phủ. Nếu một lượng lớn những gì khoan qua chỉ tuyền băng với băng thì sẽ rất phí phạm nguồn lực, và chúng tôi không thể làm vậy. Pabodie đã bày ra một kế sách: khoan những cụm lỗ san sát nhau, sau đó thòng các điện cực đồng xuống và bật một máy phát chạy xăng, dùng dòng điện của nó để làm tan băng cục bộ; nhưng trong một cuộc thám hiểm như bấy giờ đang thực hiện, chúng tôi bất quá chỉ có thể triển khai nó dưới dạng một thí nghiệm mà thôi. Tuy nhiên, phương án đấy lại đang được các thành viên Đoàn Starkweather-Moore dự tính áp dụng trong chuyến thám hiểm sắp tới, dù đã được tôi nhất mực can gián kể từ khi chúng tôi từ Nam Cực trở về.
Thông qua các báo cáo điện tín được chúng tôi đều đặn gửi cho tờ Arkham Advertiser và hãng Associated Press cũng như các bài báo được Pabodie và tôi sau này đăng tải, công chúng đã chẳng còn lạ gì với chuyến thám hiểm của Đoàn Miskatonic. Đoàn chúng tôi gồm bốn nhân sự nhà trường: Pabodie; Lake, giảng viên khoa sinh học; Atwood, giảng viên khoa vật lý, đồng thời cũng là nhà khí tượng học của đoàn; và tôi, giảng viên khoa địa chất, kiêm người giữ quyền chỉ huy trên danh nghĩa. Ngoài ra, đoàn còn có mười sáu trợ lý: bảy sinh viên cao học từ Miskatonic và chín thợ cơ khí lành nghề. Trong số mười sáu người này, mười hai người là phi công có trình độ, và chỉ mỗi hai người là không sử dụng được thành thạo máy phát vô tuyến. Tám người trong nhóm đó biết cách định hướng bằng la bàn và kính lục phân, giống như Pabodie, Atwood, và tôi vậy. Bên cạnh đó, tất nhiên còn phải kể đến đội ngũ trên hai con tàu của chúng tôi nữa. Đây đều là tàu gỗ, trước từng dùng để săn cá voi, được gia cố để hoạt động trong môi trường băng giá, có động cơ hơi nước phụ trợ, và đầy đủ thủy thủ đoàn.
Chuyến thám hiểm được tài trợ bởi Quỹ Nathaniel Derby Pickman, cùng với một số khoản quyên góp đặc biệt khác; nhờ vậy, tuy không được dư luận rầm rộ chú ý, chúng tôi vẫn có thể sắm sửa hết sức chu toàn. Lũ chó, xe trượt tuyết, máy móc, vật liệu dựng trại, cùng các bộ phận của năm chiếc phi cơ chưa lắp ráp được chuyển đến Boston và chất lên tàu chúng tôi tại đó. Với trang bị của mình, chúng tôi chẳng việc gì phải ngán ngại những mục tiêu đã đặt. Về khoản vật dụng thiết yếu, chế độ sinh hoạt, phương tiện chuyên chở, và quy cách dựng trại, chúng tôi có thể nhìn vào hàng bao con người lỗi lạc từng xông pha đi trước trong những năm gần đây, học hỏi tấm gương xuất chúng của họ, và từ đó liệu đường toan tính. Mặt khác, chính vì có quá nhiều bậc đàn anh lẫy lừng như vậy, chuyến đi của chúng tôi chẳng được thiên hạ lưu tâm đến mấy, dẫu nó cũng tầm cỡ ra trò.
Như báo chí đã đưa tin, hôm mùng 2 tháng Chín, 1930, chúng tôi khởi hành từ cảng Boston, thong thả đi xuôi bờ biển và băng qua kênh đào Panama, sau đó ghé vào Samoa và Hobart, Tasmania. Trong khi dừng ở Hobart, chúng tôi bổ sung nhu yếu phẩm nốt lần cuối. Chưa ai trong đoàn thám hiểm chúng tôi từng đến vùng cực cả, thế nên trăm sự chúng tôi đều nhờ cả vào các thuyền trưởng của mình: J. B. Douglas, chỉ huy tàu Arkham kiêm lãnh đạo trên biển của đoàn, và Georg Thorfinnssen, chỉ huy tàu Miskatonic. Cả hai đều dạn dày kinh nghiệm săn cá voi ở vùng biển Nam Cực.
Chúng tôi giã biệt thế giới có người sinh sống, và mỗi ngày trôi qua, Mặt Trời nơi phương Bắc lại sà xuống thấp hơn, nấn ná lâu lắc phía trên đường chân trời hơn. Ở khoảng 62° vĩ Nam, chúng tôi trông thấy những tảng băng trôi đầu tiên - nhìn hệt như những chiếc bàn với cạnh thẳng đứng - và lúc tiến sát đến vòng Nam Cực, chúng tôi bị đồng băng gây cản trở nghiêm trọng. Hôm 20 tháng Mười, chúng tôi vượt qua lằn ranh ấy, và đã tổ chức những nghi lễ vui lạ phù hợp để ăn mừng dấu mốc này. Nhiệt độ ngày càng tụt sâu, và vì vừa thực hiện xong một chuyến hải hành dài qua miền nhiệt đới, tôi cảm thấy chẳng khác nào bị tra tấn; nhưng tôi vẫn gắng sức chịu đựng, gồng mình đón đợi những điều kiện thậm chí còn khắc nghiệt hơn, sau này tất sẽ ập tới. Nhiều dịp, các hiệu ứng khí quyển kỳ lạ khiến tôi mê mẩn tâm thần; tiêu biểu trong đó là một ảo ảnh sống động đến ngỡ ngàng - ảo ảnh đầu tiên tôi từng được chiêm ngưỡng trong đời - khiến các khối băng xa như hóa thành tường lũy của những tòa lâu đài vũ trụ, huyền hoặc đến phi thường.
May mắn thay, đồng băng không trải quá rộng mà cũng chẳng ken quá dày, và sau khi thúc xuyên qua nó, tại tọa độ 67° vĩ Nam, 175° kinh Đông, chúng tôi lại ra đến nơi biển thoáng. Vào sáng hôm 26 tháng Mười, một ánh băng8 chói lòa bừng lên ở mạn Nam; thế rồi trước trưa, một dãy núi tuyết phủ hùng tráng và bề thế sừng sững hiện ra, choán trọn tầm nhìn. Trông thấy khung cảnh ấy, tất cả chúng tôi đều phấn khích đến run người. Cuối cùng chúng tôi cũng đã giáp mặt một tiền đồn của lục địa vĩ đại vô danh này cũng như cái thế giới băng giá chết chóc bí hiểm của nó. Những chỏm núi kia hiển nhiên phải thuộc rặng Hải Quân9 do Ross phát hiện, và bây giờ, nhiệm vụ của chúng tôi là đi vòng qua mũi Adare10, sau đó cho thuyền đi xuôi bờ Đông của vùng đất Victoria11 để đến khu căn cứ mình đã dự tính sẽ thiết lập trên bờ eo McMurdo12, dưới chân ngọn núi lửa Erebus13 ở 77° 9’ vĩ Nam.
Chặng cuối của hành trình mới rực rỡ và kích thích trí tưởng tượng làm sao. Những chóp núi trơ trụi kỳ bí luôn thấp thoáng nơi đằng Tây, còn Mặt Trời hoặc treo sễ mình ở phương Bắc khi đương trưa, hoặc quệt sát đường chân trời bên mạn Nam lúc khuya tối; và từ chốn ngự, vầng dương sẽ rưới đẫm ánh hung mờ tỏ lên lớp tuyết trắng, lên mặt băng cùng làn nước xanh phớt, lên cả những mảng đen của triền đá hoa cương lộ thiên nữa. Lồng lộng càn quét theo từng hồi, từng đợt giữa các sơn đỉnh quạnh hiu là những cơn gió Nam Cực kinh khiếp. Đôi khi, phách điệu của chúng nghe từa tựa một tiếng sáo man dại, phần nào có tri giác, với các nốt trầm bổng lên xuống trên một dải âm vực rất rộng. Khúc nhạc này khơi dậy ở tôi một cảm giác bất an, thậm chí còn cả chút ghê sợ, có lẽ vì chúng chạm được vào một ký ức nào đấy ẩn sâu trong tiềm thức. Ngắm nhìn cảnh trí, tôi bất giác nhớ đến những bức tranh châu Á kỳ khôi và rợn người của Nicholas Roerich14, cũng như những mô tả còn kỳ rợn gấp bội về cao nguyên Leng tà ác - một mảnh đất huyền thoại từng được đề cập đến trong Necronomicon15, cuốn sách sởn gai ốc do gã Ả Rập điên Abdul Alhazred biên soạn. Tôi từng tham khảo tài liệu đáng ghê tởm đó trong thư viện trường, và sau này, hành động ấy khiến tôi phải khôn xiết hối hận.
Vào hôm mùng 7 tháng Mười Một, rặng núi phía Tây tạm thời biệt tích, và chúng tôi băng qua đảo Franklin16. Hôm sau, chúng tôi nhìn thấy chỏm của núi Erebus với núi Terror17 trên đảo Ross đằng trước mặt, thấy cả hình bóng rặng Parry18 duỗi ườn ở xa nữa. Giờ đây, trải dài bên mạn Đông là một đường màu trắng thâm thấp. Đó chính là Đại Băng Lũy. Nó dựng thẳng đứng, ngất ngưởng vươn mình lên hơn sáu chục mét, chẳng khác nào các vách đá cheo leo ở Quebec, và đặt dấu chấm hết cho hải trình xuôi xuống phương Nam. Đến chiều, chúng tôi tiến vào eo McMurdo và neo lại ngoài khơi, nép khuất sau núi Erebus nghi ngút khói để tránh gió. Đỉnh đá nham thạch ấy rướn tới tận độ cao chừng ba ngàn tám trăm mét, hằn in một khối trên nền trời Đông, hệt như núi Phú Sĩ linh thiêng trong một bức tranh Nhật Bản. Chễm chệ sau nó là núi Terror trắng toát, ma mị, cao ba ngàn chín trăm mét, và nay đã tắt ngấm.
Khói đen túa lên từ Erebus theo từng đợt, và một sinh viên trợ lý - một cậu thanh niên tài trí tên Danforth - đã trỏ vào phần sườn phủ đầy tuyết, nói trên ấy có thứ gì trông giống dung nham, đồng thời bình phẩm rằng ngọn núi vốn được phát hiện năm 1840 kia ắt chính là nguyên mẫu của một thi ảnh do Poe19 phóng bút tạo dựng, thành hình bảy năm sau ngày người đời hay danh Erebus:
… lửa dung nham cuốn hừng hực
Lưu huỳnh ùng ục tràn Yaanek
Trong tiết cùng tột nơi địa cực -
Rền rĩ tuôn đổ khỏi Yaanek
Giữa cõi Bắc phương, xứ kịch dừng.20
Danforth rất say mê những áng văn, vần thơ cổ quái, và đã nhiều lần thao thao bất tuyệt về Poe. Bản thân tôi cũng có chút mến mộ Poe, bởi lẽ ông từng khắc họa cảnh sắc Nam Cực trong cuốn tiểu thuyết Arthur Gordon Pym21 lạnh gáy và bí ẩn - câu chuyện dài duy nhất Poe từng sáng tác. Trên bờ biển cằn cỗi, và trên cả bức lũy băng uy nghi nơi nền cảnh, hằng hà sa số chim cánh cụt kỳ hình dị tướng đang quang quác kêu và vỗ cánh. Trong khi ấy, nếu nhìn về phía làn nước, chúng tôi sẽ thấy cơ man nào hải cẩu béo núc ních đang tung tăng bơi lội hoặc nằm kềnh trên những tảng băng lớn, chầm chậm trôi dạt.
Ngay sau nửa đêm, khi vừa bước sang sáng mùng 9, một cuộc đổ bộ chông gai lên đảo Ross bắt đầu diễn ra. Chúng tôi cập vào đảo bằng thuyền nhỏ, mỗi thuyền kéo theo một sợi cáp, và chuẩn bị tiến hành bốc dỡ đồ vào bờ thông qua một tổ hợp phao vận chuyển. Khi lần đầu đặt chân lên đất Nam Cực, chúng tôi lâng lâng trong lòng bao xúc cảm sâu lắng và phức tạp, dù cho trước chúng tôi, nơi đây từng đón bước các đoàn của Scott và Shackleton rồi. Khu trại được chúng tôi lập trên bờ biển đóng băng dưới sườn núi chỉ là căn cứ tạm thời, còn tàu Arkham thì vẫn là tổng hành dinh. Chúng tôi đưa lên đất liền toàn bộ chỗ máy khoan, chó, xe trượt tuyết, lều, lương thực, bình xăng, đồ nghề làm tan băng thử nghiệm, các loại máy ảnh chụp thường và chụp trên không, bộ phận phi cơ, cùng hàng loạt phụ kiện khác, trong đó bao gồm ba máy vô tuyến di động cỡ nhỏ (không kể những máy đã lắp sẵn trong phi cơ) đủ sức kết nối với thiết bị vô tuyến lớn trên tàu Arkham từ bất cứ địa điểm nào trên lục địa Nam Cực mà đoàn chúng tôi dễ có khả năng sẽ ghé thăm. Bộ thiết bị của tàu sẽ giữ liên lạc với thế giới bên ngoài, chịu trách nhiệm gửi các thông cáo báo chí đến trạm vô tuyến công suất mạnh của tờ Arkham Advertiser tại Kingsport Head, Massachusetts. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất được công việc trong nội một mùa hè Nam Cực; nhưng ví phỏng làm vậy không khả thi, chúng tôi sẽ trú đông trên tàu Arkham và điều tàu Miskatonic trở về phương Bắc trước khi biển đóng băng, để nó còn sửa soạn đồ tiếp tế cho mùa hè năm tới.
Những gì báo giới đã đăng về các hoạt động ban đầu của chúng tôi - bao gồm chuyến leo núi Erebus; những vụ khoan tìm khoáng vật thành công tại một số điểm trên đảo Ross, được giàn máy của Pabodie thực hiện với tốc độ phi thường, kể cả khi phải đục xuyên đá rắn; cuộc thử nghiệm thiết bị làm tan băng quy mô nhỏ; hành trình chở vật dụng đầy nguy nan lên Đại Băng Lũy bằng xe trượt tuyết; và công đoạn lắp ráp hoàn chỉnh năm chiếc phi cơ khổng lồ tại trại trên đỉnh bức lũy - sẽ không cần được nhắc lại. Ở trên bộ, đoàn chúng tôi có hai mươi nhân mạng cùng năm mươi lăm con chó kéo xe Alaska, và cả người lẫn chó đều không ốm đau bệnh tật gì; nhưng tất nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa chạm trán mức nhiệt hay cơn bão nào thực sự khốc liệt. Nhiệt kế chủ yếu dao động trong khoảng từ -18 độ đến -7 độ hoặc trên -4 độ, và vì từng kinh qua mùa đông ở New England, chúng tôi không đến mức lạ lẫm với điều kiện khắc nghiệt kiểu vậy. Trại dựng trên lũy băng là một căn cứ bán dài hạn, và nó sẽ được sử dụng làm kho trữ xăng, lương thực, thuốc nổ, cũng như các món đồ thiết dụng khác. Để chở vật liệu thám hiểm, chúng tôi chỉ cần dùng đến bốn phi cơ là đủ; chiếc thứ năm thì được cất ở kho trữ, dưới sự quản lý của một phi công và hai nhân sự trên tàu. Trong trường hợp đoàn mất hết các phi cơ thám hiểm, người ta sẽ có thể dùng nó để bay từ tàu Arkham đến chỗ chúng tôi. Sau này, mỗi khi không phải dùng cả bốn phi cơ kia để thồ máy móc thiết bị, chúng tôi lại trưng dụng một, hai chiếc để chuyên chở người qua lại giữa kho trữ và một căn cứ dài hạn khác. Căn cứ này nằm trên cao nguyên Nam Cực22, cách kho tầm trên dưới ngàn cây gì đấy về phía Nam, quá chỗ sông băng Beardmore23. Dù hầu như mọi báo cáo đều tường thuật rằng sẽ có những trận gió bão kinh hoàng tràn xuống từ cao nguyên, chúng tôi vẫn quyết định không dựng trại trung chuyển. Đây là một canh bạc liều lĩnh, nhưng nó sẽ giúp tiết kiệm chi phí, và có thể còn nâng cao hiệu quả hoạt động nữa.
Như đã tường thuật trong các báo cáo vô tuyến, vào hôm 21 tháng Mười Một, chúng tôi đã thực hiện một chuyến bay tuyệt diệu đến hớp hồn. Suốt bốn tiếng không ngơi nghỉ, chúng tôi rẽ trời lướt trên thềm băng kỳ vĩ. Hộ tống phi đoàn là những ngọn núi cao lớn ở cánh Tây, cùng với một sự tĩnh lặng vô bờ bến, vang vọng tiếng động cơ. Gió chỉ gây trở ngại cho chúng tôi ở mức vừa phải, và nhờ có la bàn vô tuyến, chúng tôi đã trót lọt lèo lái qua màn sương mù dày đặc duy nhất mình đụng độ. Khi một triền đất khổng lồ lừng lững xuất hiện phía trước, giữa vĩ độ 83 và 84, chúng tôi biết mình đã ra đến Beardmore, sông băng thung lũng24 lớn nhất thế giới; và giờ đây, mặt biển băng giá đang dần nhường chỗ cho một đường bờ biển hằn học, gập ghềnh non núi. Cuối cùng, chúng tôi đã thực sự dấn bước vào cái thế giới trắng xóa, ngàn vạn kỷ trời chỉ là chốn âm ti của miền phương Nam cùng tận. Và vừa lúc nhận ra điều đó, chúng tôi cũng trông thấy luôn đỉnh Nansen25 xa xa nơi đằng Đông, chót vót vươn cao gần bốn ngàn mét rưỡi.
Căn cứ phía Nam đã được chúng tôi thiết lập thành công ở tọa độ 86° 7’ vĩ Nam, 174° 23’ kinh Đông, mạn trên của con sông băng. Chúng tôi khi thì cưỡi xe trượt tuyết, lúc thì bay các chặng ngắn, ghé hết chốn này đến chốn nọ để tiến hành khoan đục và cho nổ mìn; tất cả đều được thực hiện một cách mau lẹ và hiệu quả đến thần diệu. Ngoài ra, từ hôm 13 cho đến 15 tháng Mười Hai, Pabodie cùng hai sinh viên cao học - Gedney và Carroll - đã có một hành trình leo núi Nansen đầy gian nan, nhưng rốt cuộc cũng đã chinh phục được nó. Tất cả những sự kiện trên đều đã được tài liệu sử sách ghi nhận. Chúng tôi ở độ cao khoảng hai ngàn năm trăm mét so với mực nước biển, và trong quá trình khoan thử nghiệm, đoàn chúng tôi phát hiện ra rằng tại một số điểm nhất định, băng tuyết chỉ phủ dày ba mét rưỡi, còn dưới đó là nền đất rắn. Thế là, tại hàng loạt nơi trước đây chưa nhà thám hiểm nào từng nghĩ đến việc thu thập khoáng vật, chúng tôi liên tục đem bộ thiết bị làm tan băng nhỏ ra sử dụng, kết hợp với khoan lỗ và cho nổ mìn. Những mẫu đá hoa cương Tiền Cambri và sa thạch Beacon26 thu được nhờ phương pháp đó xác nhận quan điểm của chúng tôi, ấy là cao nguyên này thuần nhất với phần lớn khối lục địa ở phía Tây, song lại hơi khác với các khu vực nằm ở phía Đông, mạn dưới Nam Mỹ. Lúc bấy giờ, chúng tôi cứ ngỡ những vùng phía Đông đó hợp thành một lục địa con riêng biệt, bị một miền băng nơi biển Ross giao với biển Weddell27 chia tách khỏi lục địa lớn; nhưng về sau, giả thuyết này đã bị Byrd bác bỏ.
Sau khi đã phát hiện ra bản chất sa thạch nhờ khoan thăm dò, chúng tôi sẽ khai thác mẫu bằng thuốc nổ, thế rồi dùng dùi đục đẽo gọt chúng. Trong một số mẫu vật thu được, chúng tôi đã tìm thấy những vết tích cũng như mảnh hóa thạch hết sức thú vị, đặc biệt là dương xỉ, rong biển, bọ ba thùy, huệ biển, cùng những loài thân mềm như động vật thuộc bộ tay cuộn dạng lưỡi và động vật lớp chân bụng - tất cả xem chừng đều đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nguyên thủy của vùng. Ngoài ra, còn có cả một vết hình tam giác quái đản, vằn vện các dải vân, với đường xuyên tâm lớn nhất dài khoảng ba mươi phân, được Lake ghép lại từ ba mảnh đá bảng lấy dưới một hố khoan nổ mìn sâu hoắm. Mấy mảnh đá này gốc nằm tại một địa điểm chếch bên mé Tây, gần rặng Nữ hoàng Alexandra28; và Lake, với nhãn quan một nhà sinh vật học, ra chiều rất lấy làm lạ về cái vết kỳ cục do chúng hiệp thành, ý chừng coi đây là một thứ lý thú khác thường. Tuy nhiên, trong mắt dân địa chất như tôi, nó trông cũng chỉ tương tự mấy hiệu ứng gợn sóng hay xuất hiện ở đá trầm tích. Đá bảng chẳng qua chỉ là một kết cấu đá biến chất, hình thành từ một tầng trầm tích bị đè nén, và nếu trên đấy có bất kỳ vết tích nào, chúng cũng sẽ bị chính áp lực đó gây biến dạng theo những kiểu dị hợm. Vì thế, tôi chẳng thấy vết lõm có vân này có gì đáng trầm trồ thái quá đến vậy.
Vào hôm mùng 6 tháng Một, 1931, tôi, Lake, Pabodie, Danforth, và cả sáu sinh viên còn lại đã bay thẳng qua vùng trời điểm cực Nam trên hai phi cơ lớn. Có một lần gió mạnh chợt nổi lên, buộc đoàn chúng tôi phải hạ cánh; nhưng thật may mắn, nó không bùng hẳn thành một trận bão chuẩn mực. Như báo chí đã đăng, đây là một chuyến bay thám sát. Ngoài nó, chúng tôi còn thực hiện vài chuyến khác tương tự, vừa bay vừa dốc sức tìm kiếm các địa mạo mới ở những chốn chưa lớp thám hiểm đàn anh nào từng thăm thú. Thất vọng thay, trong mấy đợt bay đầu, chúng tôi chẳng đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, cũng chính trong những lần công cán đó, chúng tôi đã có cơ hội thưởng lãm một số ảo ảnh mỹ diệu và huyễn hoặc vô ngần của miền cực - những thức quà đoàn tôi mới chỉ được nếm sơ sơ mùi vị hồi vẫn đang lênh đênh ngoài khơi. Những rặng núi xa lơ lửng giữa trời, trông hệt các đô thành được yểm phép tiên; và lắm lúc, dưới yêu thuật của hòn lửa Mặt Trời sa thấp lúc nửa đêm, toàn bộ thế giới trắng ngần sẽ biến tan, hóa thành một xứ sở thắm tươi sắc vàng, sắc bạc, cùng sắc đỏ, tựa hồ chiêm bao của Lãnh chúa Dunsany29 hiển linh với muôn vàn phiêu lưu ngóng đợi. Vào những ngày nhiều mây, việc bay trở nên khó khăn hơn hẳn, bởi lẽ nền đất tuyết phủ và bầu trời thường hay quyện lại thành một miền hư vô thần bí, đùng đục màu sữa, tuyệt chẳng thấy bóng dáng chân trời đánh dấu nơi đôi bên tiếp giáp nhau ở đâu hết.
Một thời gian sau, chúng tôi quyết định làm theo kế hoạch gốc, đó là lái cả bốn phi cơ thám hiểm tám trăm cây số về phía Đông và thiết lập một căn cứ phụ mới, với địa điểm nhiều khả năng sẽ nằm trên mảnh đất khi ấy hãy còn bị chúng tôi lầm tưởng là lục địa con. Các mẫu vật địa chất thu được tại đó sẽ rất có giá trị, bởi chúng tôi có thể dùng chúng làm tài nguyên so sánh. Tính đến nay, cả đoàn vẫn duy trì được thể trạng tuyệt hảo - dù phải ăn thực phẩm đóng hộp cùng đồ ướp muối triền miên, chúng tôi vẫn cân bằng tốt dinh dưỡng nhờ bổ sung nước cốt chanh; và vì nhiệt độ hầu như luôn cao hơn ngưỡng âm mười bảy, chúng tôi đỡ phải quấn kín mít những bộ đồ lông dày cộp lên người. Bấy giờ đang là giữa hè, và nếu khẩn trương triển khai mọi công tác sao cho thật chu đáo, chưa biết chừng chúng tôi sẽ kịp xong việc trước cuối tháng Ba, từ đấy tránh được một kỳ trú đông tẻ ngắt, thâu suốt đêm trường Nam Cực. Một loạt cơn bão hung tợn đã ập đến chỗ chúng tôi từ phía Tây, nhưng Atwood đã nghĩ ra diệu kế đắp những khối tuyết dày thành lán bảo vệ phi cơ và rào chắn gió thô sơ, đồng thời còn tháo vát dùng tuyết gia cố các gian lều chính trong trại. Nhờ sự tài tình của ông ta, chúng tôi không phải chịu thiệt hại gì. Quả tình, công việc của chúng tôi đã tiến triển một cách may mắn và suôn sẻ đến lạ.
Tất nhiên, công chúng đã biết về chương trình của chúng tôi, đồng thời cũng biết cả về chuyện Lake đã cố chấp đến kỳ khôi, sống chết đòi tổ chức bằng được một chuyến thám hiểm thăm dò về phía Tây - hay đúng hơn là phía Tây Bắc - trước khi chúng tôi chuyển hẳn sang căn cứ mới. Xem chừng cái vết tam giác có vân hằn trên phiến đá kia đã khiến ông miên man ngẫm ngợi, tưới tắm tâm tưởng với những ý nghĩ hết sức táo tợn và đáng quan ngại. Ông suy diễn ra được đôi ba điều bất nhất giữa đặc điểm tự nhiên và thời kỳ địa chất của cái vết, thành thử óc tò mò bị kích thích tột độ, và hăm hở muốn đẩy mạnh triển khai khoan đục kết hợp nổ mìn tại thành hệ trải dài về phía Tây, bởi vì mấy mảnh đá chúng tôi đã khai quật được hiển nhiên từng là một phần của nó. Ông đinh ninh đến lạ về cái vết đấy, chắc mẩm nó là dấu tích của một sinh vật đồ sộ, chưa ai từng biết đến, hoàn toàn không thể phân loại được, và thuộc nấc tiến hóa rất cao, dù cho phiến đá chứa nó có niên đại xa xưa tột cùng - từ tận kỷ Cambri, hoặc có khi Tiền Cambri cũng nên. Trong cái thuở viễn cổ ấy, sự sống vẫn còn chưa vượt nổi cấp đơn bào, hoặc bất quá cũng chỉ mới phát triển đến giai đoạn ba thùy thôi, nói chi đến chuyện có các sinh vật tiến hóa bậc cao? Những mảnh đá này, với cái vết kỳ lạ chúng mang, ắt phải có tuổi đời từ khoảng năm trăm triệu cho đến một tỷ năm chứ không ít.
Tức thềm băng Ross, một khối băng khổng lồ lấn vào Nam Cực từ phía Bắc, mạn gần với New Zealand nhất của lục địa. Tên nó được đặt theo James Clark Ross (1800 - 1862) - nhà thám hiểm người Anh từng có nhiều phát hiện quan trọng về khu vực này. Vì gây cản trở nghiêm trọng cho việc tiến sâu vào mạn Nam Nam Cực, thềm băng Ross còn được mệnh danh là “Đại Băng Lũy,” tức “bức lũy băng khổng lồ.” [Chú thích của người dịch, sau đây viết tắt là N.D.]
Một vịnh sâu của Nam Đại Dương, nằm cùng khu vực với Đại Lũy Băng và bị nó chắn về phía Nam. Đây là vùng biển cực Nam của Trái Đất. Tên biển cũng được đặt theo James Clark Ross. [N.D.]
Tức Ernest Shackleton (1874 - 1922), một nhà thám hiểm Nam Cực người Anh-Ireland, từng lãnh đạo ba chuyến thám hiểm đến Nam Cực. [N.D.]
Tức Roald Amundsen (1872 - 1928), một nhà thám hiểm vùng cực người Na Uy. Ông là chỉ huy của đoàn thám hiểm đầu tiên đặt chân đến Nam Cực. [N.D.]
Tức Robert Falcon Scott (1868 - 1912), một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh kiêm nhà thám hiểm Nam Cực. Ông tử nạn trong một một chuyến thám hiểm đến vùng cực hồi năm 1913, và sau đó đã trở thành một biểu tượng quốc gia tại Anh Quốc. [N.D.]
Tức Richard E. Byrd (1888 - 1957), một sĩ quan hải quân kiêm nhà thám hiểm người Mỹ. Ông là một trong những người đầu tiên từng đến được cả Bắc Cực và Nam Cực theo đường không. [N.D.]
Một đơn vị thời gian địa chất không chính thức, trải từ sự lúc Trái Đất hình thành (khoảng 4,6 tỷ năm trước) đến đầu kỷ Cambri (khoảng 538,8 triệu năm trước), khi các sinh vật vỏ cứng bắt đầu xuất hiện. [N.D.]
Một hiện tượng khí quyển hay gặp ở Nam Cực, xuất hiện khi ánh sáng chiếu xuống các vùng phủ kín băng tuyết và bị hắt ngược lên, tạo thành một quầng sáng rực rỡ có thể được nhìn thấy từ ngoài khơi. [N.D.]
Một cụm núi nằm ở phía Tây Bắc Đại Lũy Băng, tiếp giáp với mạn Tây biển Ross. Tên của các ngọn và rặng núi lẻ trong cụm được James Clark Ross đặt theo các ủy viên đương thời của Bộ Hải quân Hoàng gia Anh, từ đó khiến cả cụm núi được gọi chung là rặng Hải Quân (hoặc rặng Admiralty). [N.D.]
Một mũi đất bazan đen nổi bật, nằm ở phía Bắc rặng Hải Quân và tiếp giáp mạn Tây biển Ross, phân tách biển Ross khỏi Nam Đại Dương. Tên mũi đất được James Clark Ross đặt theo Tử tước Adare, một người bạn của Ross. [N.D.]
Một khu vực chắn phía Tây của biển Ross và Đại Lũy Băng, chứa rặng Hải Quân và mũi Adare. Tên vùng đất được đặt theo Nữ hoàng Victoria (1819 - 1901) của Anh. [N.D.]
Một eo biển dẫn ra biển Ross, nằm sát mép Tây Bắc của Đại Lũy Băng và tiếp giáp với phía Đông vùng đất Victoria. Đây được coi là vùng nước có thể điều hướng được xa nhất về phía Nam của Trái Đất. Tên eo biển được đặt theo Phó đô đốc Archibald McMurdo (1812 - 1875) - một sĩ quan dưới quyền từng cùng James Clark Ross đến thám hiểm Nam Cực. [N.D.]
Một núi lửa đang hoạt động ở Nam Cực, nằm trên đảo Ross (một hòn đảo trong eo McMurdo, gần sát bờ vùng đất Victoria). Tên núi được đặt theo tàu Hải quân Hoàng gia Erebus, một trong hai con tàu do James Clark Ross chỉ huy trong chuyến thám hiểm Nam Cực 1839 - 1843. [N.D.]
Tức Nikolai Konstantinovich Rerikh (1874 - 1947), một họa sĩ kiêm triết gia nổi tiếng người Nga. Lúc sinh thời, ông có quan tâm đến lĩnh vực tâm linh, và những bức tranh của ông được cho là mang tính thôi miên đối với người thưởng lãm. [N.D.]
Một tài liệu tà ma giả tưởng do Lovecraft sáng tạo, nhiều lần được đề cập đến trong các tác phẩm thuộc thế giới thần thoại Cthulhu. Necronomicon còn được biết đến với cái tên Tử Thư. [N.D.]
Một hòn đảo trong biển Ross, nằm phía Đông eo McMurdo. Đảo được đặt theo tên John Franklin (1786 - 1847), một thống đốc từng nồng hậu tiếp đãi đoàn thám hiểm của James Clark Ross trên đường họ tiến về phía Nam. [N.D.]
Một núi lửa hình khiên lớn trên đảo Ross. Tên ngọn núi được đặt theo tàu Hải quân Hoàng gia Terror, một trong hai con tàu do James Clark Ross chỉ huy trong chuyến thám hiểm Nam Cực 1839 - 1843. [N.D.]
Một ảo ảnh bị James Clark Ross lầm tưởng là rặng núi. Theo quan sát sai lệch của Ross, “rặng núi” đó nằm gần hai ngọn Erebus và Terror, chạy từ điểm cực Đông của đảo Ross về phía Nam. Tên của nó được đặt theo William Edward Parry (1790 - 1855), một nhà thám hiểm Nam Cực lừng danh, từng là sĩ quan chỉ huy của Ross. [N.D.]
Tức Edgar Allan Poe (1809-1849), một nhà văn kiêm thi sĩ người Mỹ, nổi tiếng với những bài thơ và truyện ngắn bí ẩn, rùng rợn. [N.D.]
Trích từ Ulalume, một bài thơ kể về nỗi nhung nhớ một cô gái tên Ulalume do Edgar Allan Poe sáng tác. [N.D.]
Tức The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket (tạm dịch: Câu chuyện về Arthur Gordon Pym đảo Nantucket). Truyện kể về chuyến phiêu lưu của một anh chàng tên Arthur Gordon Pym sau khi anh ta trốn lên một con tàu săn cá voi. [N.D.]
Một cao nguyên mênh mông ở Đông Nam Cực, trải dài trên một vùng với đường kính gần 1.000 km, có độ cao trung bình khoảng 3.000 m so với mặt biển. [N.D.]
Một sông băng chạy từ cao nguyên Nam Cực xuống Đại Lũy Băng. Con sông băng được Ernest Shackleton - người tìm ra nó - đặt theo tên của William Beardmore (1856 - 1936), nhà tài trợ cho chuyến thám hiểm của Shackleton. [N.D.]
Một dạng sông băng nằm giữa các vách núi đá. [N.D.]
Một ngọn núi lớn ở vùng đất Victoria, được đặt theo tên nhà thám hiểm người Na Uy Fridtjof Nansen (1861 - 1930). [N.D.]
Một hệ tầng địa chất ở Nam Cực, được bồi tụ trong giai đoạn từ 400 đến 250 triệu năm trước. Tên của nó được lấy theo cụm đỉnh Beacon, hai đỉnh núi lớn thuộc khối sa thạch, được dùng làm mốc trắc địa cho nó. [N.D.]
Một phần của Nam Đại Dương, nằm lệch về phía Đông của biển Ross và bị chia tách khỏi nó bởi Tiểu Nam Cực (phần lãnh thổ nằm ở Tây Bán cầu của Nam Cực). Biển được đặt theo tên của James Weddell (1787 - 1834) - người thủy thủ đầu tiên từng tiến vào biển này. [N.D.]
Một rặng núi lớn nằm ở phía Đông biển Ross, gần Đại Lũy Băng. Tên rặng núi được đặt theo Nữ hoàng Alexandra (1844 - 1925) của Anh. [N.D.]
Tức Edward John Moreton Drax Plunkett (1878-1957), Nam tước thứ 18 của Dunsany (Hạt Meath, Ireland), hay được gọi là Lãnh chúa Dunsany. Ông là một nhà văn kiêm nhà biên kịch rất nổi tiếng với các tác phẩm văn học kỳ ảo. [N.D.]